PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói rằng, để giải quyết bài toán thiếu điện, phải theo tư duy hệ thống, đặt trên nền tảng thị trường.
Một dự án nhiệt điện tại Vĩnh Tân
Thưa ông, miền Bắc thiếu điện, trong khi miền Nam không thiếu. Theo ông, điều này, do miền Nam không dư điện để đưa ra miền Bắc, hay do hệ thống truyền tải không đáp ứng được?
Điện trong Nam có phần dư nhưng không nhiều. Dư chủ yếu là do nguồn điện đã có rồi nhưng khâu cấp phép để phát điện nhiêu khê nên chậm trễ, gây lãng phí rất nhiều. Tuy nhiên, do đường dây 500kV thứ 2 đến Quảng Bình là hết, nên phía Nam thừa điện cũng không truyền ra được. Chuyện miền Bắc thiếu điện là có hai lý do liên quan đến cơ chế, tầm nhìn phát triển không đồng bộ. Tất nhiên ở đây có nguyên nhân khách quan là chúng ta không lường được tình thế thời tiết nắng nóng gay gắt khiến các thủy điện lớn là khô cạn, trong khi nhiều nhà máy điện làm mãi không xong.
Nhiều dự án phát triển nguồn điện trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đã không được triển khai. Đó có phải là lý do chính dẫn đến thiếu điện hiện nay?
Ở phía Bắc không có nhiều nắng, nhiều gió nên điều kiện phát triển điện năng lượng tái tạo khó hơn trong khi cơ chế giá lại không ủng hộ điện năng lượng tái tạo ở phía Bắc. Trong khi nhiều dự án điện truyền thống lâu nay gặp khó khăn nên không phát triển được thêm. Nhiều địa phương không thích làm và phản đối với điện truyền thống nhưng Trung ương vẫn chiều theo. Ở đây, rõ ràng việc tiếp cận đang có những trục trặc về lợi ích dài hạn, chiến lược quốc gia với lợi ích cục bộ của địa phương.
Chúng ta phải xem xét việc các địa phương phản đối nhưng có đảm bảo lợi ích quốc gia hay không, nếu chúng ta sa vào chủ nghĩa dân túy, cứ thấy phản đối là không dám làm sẽ dẫn đến tổn thất rất lớn cho quốc gia. Bao giờ cách tiếp cận cũng đặt trên nền tảng thị trường, tức là nguy cơ khan hiếm thiếu hụt điện chính là cơ hội đầu tư và chúng ta phải xử lý bằng cơ chế giá điện đi liền với những điều kiện đảm bảo về vấn đề môi trường xã hội và đưa những thứ đó theo nguyên tắc thị trường thì mới giải quyết được.
Cách đây mấy năm ông từng nói “không có điện mới chết, điện giá cao không chết”, đó có phải là điều ông đã thấy trước và cảnh báo về tình trạng thiếu điện như hiện nay?
Cái lý rất đơn giản là thiếu điện thì cần phải khuyến khích đầu tư. Muốn khuyến khích đầu tư thì phải đảm bảo lợi ích cho người đầu tư, Nhà nước mua điện giá cao thì mới đảm bảo để người ta đầu tư vào điện, nếu không nhà đầu tư bỏ chạy. Giá điện thấp lại khuyến khích người ta tiêu dùng nhiều và ngược lại, khi đó khả năng thiếu hụt điện lại càng tăng lên và những tổn hại về môi trường cũng tăng lên. Đất nước phải trả giá về dài hạn. Cái hại lớn ở tầm quốc gia là chúng ta khuyến khích tiêu dùng điện giá thấp nghĩa là khuyến khích phát triển công nghiệp lạc hậu. Các nhà đầu tư có trình độ công nghệ thấp thấy điện Việt Nam rẻ là cứ ra sức làm, như vậy sẽ kìm hãm sự phát triển công nghệ của cả nền kinh tế Việt Nam, dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.
Giá bao giờ cũng là trái tim của thị trường cho nên phải dùng cơ chế giá để điều hành. Hiện nay cách tiếp cận về giá điện của ta đang rất có vấn đề mà điều này đã được nói nhiều năm rồi nhưng không thay đổi và hệ quả bây giờ bộc lộ rõ ràng. Tôi hy vọng sau cú này cách tiếp cận giá điện sẽ thay đổi nhiều hơn, giá không còn là thuần túy “giá chính trị” nữa mà là giá kinh tế thị trường để bảo đảm cân đối lợi ích.
Nói như ông, nghĩa là xưa nay cách tính giá điện của chúng ta chưa tính đúng tính đủ và chưa phản ánh đúng bản chất vấn đề thị trường điện?
Người tiêu dùng nào chả thích giá thấp, nhưng giá thấp theo nghĩa dân túy đó nếu không được tính toán đầy đủ thì có thể về dài hạn sẽ làm hỏng chiến lược thu hút đầu tư và hậu quả là chúng ta đang nhận thấy rất rõ ràng. Nhiều nước cũng bảo vệ người nghèo nhưng không phải theo cách kiềm chế giá điện như chúng ta mà họ tách biệt giữa vấn đề phúc lợi với vấn đề thị trường, chứ không phải đưa vào chung giá điện như thế này, làm cho hỏng cấu trúc thị trường cạnh tranh. Cho nên phải thay đổi theo nghĩa đó chứ không phải là chúng ta quên lợi ích của người nghèo trong câu chuyện giá điện.
Theo ông, thị trường điện đang nằm ở mức độ nào?
Lộ trình xây dựng thị trường điện đặt ra hàng chục năm rồi, nhưng bước tiến rất chậm. Chúng tôi đã đề xuất thử nghiệm chính sách giá điện theo thị trường nhưng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan vẫn quá thận trọng cho nên tiến độ chậm. Thời điểm khó khăn này có lẽ sẽ tạo ra cú hích để chúng ta xử lý vấn đề thị trường điện mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn. Tôi rất mong và tin hành động của Chính phủ có thể giúp tiến nhanh hơn đến thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh.
Lâu nay người ta cho rằng ngành điện sở dĩ không đáp ứng được yêu cầu điện là do yếu tố độc quyền. Ông có nghĩ như vậy không?
Khả năng năng đáp ứng nhu cầu điện cho đất nước lâu nay vẫn đảm bảo. Việc thiếu hụt hiện nay chỉ ở miền Bắc, chúng ta không thể vin vào cái ngắn hạn này để thấy vấn đề cung ứng điện tối tăm. Tiềm năng về nguồn điện của Việt Nam, nhất là về năng lượng tái tạo rất dồi dào. Vấn đề là phải có cách nhìn để xử lý một cách hệ thống. Đừng nên quá bi quan và đừng nên nhân dịp này bác bỏ, phủ nhận những điều lớn lao mà chúng ta đã làm được.
Đại Dương - TP
Bình luận (0)