Hối hả chuyển điện than sang điện khí

Cả Thanh Hoá và Nghệ An đang có những động thái kiên quyết về việc bỏ các dự án điện than để chuyển sang làm điện khí nhằm đảm bảo nguồn điện địa phương trong tương lai, đồng thời bổ sung nguồn điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng.

Hối hả chuyển điện than sang điện khíThực trạng dở dang sau 8 năm, cần chuyển sang điện khí LNG. Ảnh: HẢI NAM

Nghệ An từng đặt nhiều kỳ vọng vào hai dự án điện than tại Quỳnh Lập (Hoàng Mai). Trung tâm nhiệt điện Quỳnh Lập được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch địa điểm vào năm 2009 trên diện tích quy hoạch 283ha, quy mô 2.400MW. Dự án được đầu tư theo 2 giai đoạn: Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I và nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 2.

Giai đoạn 1 có tổng mức vốn đăng ký khoảng 2,2 tỉ USD, công suất 1.200MW do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư.

Vào năm 2015, khi khởi công xây dựng, dự án được dự báo sẽ góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho người dân.

Theo quy hoạch, nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I sẽ vận hành vào năm 2020. Tuy nhiên, sau 8 năm dự án này không triển khai. Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có ý kiến dừng các dự án này.

Đến năm 2023, tại Quyết định Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) dự án điện tỉ USD này đã bị loại, thay vào đó là việc chuyển đổi từ điện than sang điện khí LNG (khí thiên hiên hoá lỏng).

Giữa tháng 8. 2023, UBND Nghệ An đã ban hành Công văn số 6816 nêu ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực UBND Nghệ An - Lê Hồng Vinh: Dự án LNG Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai là một trong các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm phát triển nguồn điện chạy nền, đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh hóa. Việc chậm tiến độ dự án sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng không chỉ đối với an ninh cung cấp điện quốc gia mà còn cả an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Câu chuyện tương tự diễn ra ở Thanh Hoá. Năm 2011, dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh, quy mô hơn 60 ha (thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn) có công suất 600 MW, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỉ USD được khởi công.

Thế nhưng sau 12 năm, vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề về vốn đầu tư, dự án này dang ở. Đến tháng 7.2023, Thanh Hoá có văn bản trình Chính phủ xem xét, chấp thuận chuyển đổi nhiên liệu than sang nhiên liệu LNG cho Nhà máy nhiệt điện Công Thanh.

Tại văn bản mới nhất trình Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn, trong đó Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn SOVICO và Tập đoàn JERA - Nhật Bản đã có văn bản đề nghị cho phép thực hiện dự án này. Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hoá nghiêng về phương án chuyển đổi Nhiệt điện Công Thanh.

Trong lúc chờ ý kiến từ các cơ quan chức năng, Thanh Hoá cũng đề xuất bổ sung quy hoạch Bến cảng chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn. Vị trí bến cảng tại khu tổng hợp, container số 2, khu bến Nam Nghi Sơn; quy mô bến có chiều dài bến khoảng 360m, diện tích khoảng 4,8ha, có thể tiếp nhận cỡ tàu LNG đến 218.000m3 (tương đương 100.000DWT); công suất bến khoảng 1,2 triệu tấn/năm.

Trong bối cảnh điện mặt trời thiếu ổn định, chỉ chạy vào ban ngày và vào ngày nắng; thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau 2030 theo cam kết với quốc tế... việc phát triển nhiệt điện khí là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng quốc gia.

Đó chính là lý do để các dự án điện than ở Thanh Hoá, Nghệ An dang dở bấy lâu phải chuyển mình, tận dụng nguồn lực đang có tránh lãng phí khi nhu cầu điện ngày một lớn.

HẢI NAM

Đã đăng trong Năng lượng nhiệt vào August 28 at 09:21 PM

Bình luận (0)

Trở lại đầu trang
English Viet Nam