Người tạo chủ đề

REPOWER.VN

2022 - Năm rực rỡ của ngành điện

Đa số các doanh nghiệp ngành điện kết năm 2022 bằng những bước tiến lớn. Trong đó, nhóm thủy điện tăng trưởng rực rỡ, với những cái tên có mức lãi tăng bằng lần.

Thiên thời chắp cánh thủy điện

Top 20 doanh nghiệp ngành điện lãi mạnh nhất 2022
(Top 20 doanh nghiệp ngành điện tăng lãi mạnh nhất năm qua)

Hưởng lợi nhờ hiện tượng La Lina kéo dài từ 2020 mang đến lượng mưa lớn, hầu hết các doanh nghiệp thủy điện đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt về doanh số phát điện, kéo theo mức tăng mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi các doanh nghiệp thủy điện chiếm nhiều vị trí trong top 20 tăng lãi nhiều nhất năm qua.

Ấn tượng nhất là VCP (Xây dựng và Năng lượng VCP). Sở hữu 8 công ty con làm thủy điện, VCP báo doanh thu tăng trưởng hơn 15%, đạt gần 683 tỷ đồng; lãi ròng tăng mạnh lên hơn 363 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần năm trước.

Câu chuyện tại Thủy điện Hủa Na (UPCoM: HNA) cũng diễn ra tương tự, với mức lãi ròng gấp 4.4 lần cùng kỳ, đạt 583 tỷ đồng; doanh thu ghi nhận tăng mạnh lên 1.75 ngàn tỷ đồng, hơn 70% so với năm trước. Ông lớn thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH) không nằm ngoài xu hướng với doanh thu hơn 3 ngàn tỷ đồng - tăng trưởng hơn 91%, lãi ròng đạt 387 tỷ đồng, gấp 3.2 lần cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp thủy điện khác cũng ghi nhận lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng cùng mức tăng trưởng mạnh, như Thủy điện Sông Ba (HOSE: SBA) lãi hơn 244 tỷ đồng, gấp đôi năm 2021; Thủy điện A Vương (UPCoM: AVC) lãi 582 tỷ đồng, tăng 75%; Thủy điện Thác Mơ (HOSE: TMP) lãi 576 tỷ đồng, tăng 63%...
 
Các doanh nghiệp đa ngành có đầu tư vào thủy điện cũng hưởng lợi không nhỏ. REE (CTCP Cơ điện lạnh) kết năm với mức lãi kỷ lục kể từ khi niêm yết với doanh thu tăng hơn 61% (9.3 ngàn tỷ đồng), lãi ròng tăng 45% (2.69 ngàn tỷ đồng). Trong đó, mảng năng lượng chiếm 62% lợi nhuận toàn công ty (tăng trưởng gần 91%). Dù có đầu tư cả vào năng lượng tái tạo (NLTT) và nhiệt điện, REE đang nắm trong tay 4 công ty con và 6 công ty liên kết liên quan đến thủy điện.
IDC (Tổng Công ty IDICO) cũng ghi nhận lãi kỷ lục với hơn 2.3 ngàn tỷ đồng lãi ròng, gấp 5.1 lần năm trước, cùng hơn 8.2 ngàn tỷ đồng doanh thu - tăng trưởng 92%. Mảng chính của IDC vẫn là dịch vụ khu công nghiệp, nhưng mảng kinh doanh điện cũng đóng góp gần 2.9 ngàn tỷ đồng doanh thu - chiếm 35% cơ cấu doanh thu của Tổng Công ty trong năm qua, tương ứng tăng trưởng 7%. Được biết, IDC nắm 1 công ty con mảng điện là Thủy điện Srok Phu Miêng IDICO, cùng Nhà máy Thủy điện Đak Mi 3 là đơn vị hạch toán phụ thuộc.
 
Nhiệt điện tăng nhẹ dù gặp khó
Nhóm doanh nghiệp lãi tăng nhẹ hoặc giảm lãi trong năm qua
(Nhóm doanh nghiệp lãi tăng nhẹ hoặc giảm lãi trong năm qua)
Nhiều cái tên trong nhóm nhiệt điện và điện khí kết năm 2022 với kết quả lãi tăng trưởng dương. Nhưng xét ở khía cạnh khác, các doanh nghiệp này đáng lẽ đã có kết quả tốt hơn nếu không gặp phải một số khó khăn khiến lợi nhuận bị bào mòn.
 
NT2 (CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2) là một ví dụ. Kết quả kinh doanh năm qua của Doanh nghiệp điện khí này tương đối sáng sủa với doanh thu tăng 43% - đạt gần 8.79 ngàn tỷ đồng, lãi sau thuế tăng 36%, lên hơn 729 tỷ đồng, đều vượt chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên riêng trong quý 4, mức lãi ròng của NT2 lao dốc nặng nề, thua cùng kỳ tới 95%, chủ yếu vì giá vốn đội lên quá mạnh và một phần vì trích lập dự phòng nợ phải thu cùng khoản lỗ chênh lệch tỷ giá.
QTP (Nhiệt điện Quảng Ninh) cũng trải qua quý 4 đầy ảm đạm với mức lãi bằng chưa đầy 1/7 so với cùng kỳ, đạt hơn 25.7 tỷ đồng, vì giá nhiên liệu đầu vào tăng quá cao. Dẫu vậy, QTP vẫn vượt kế hoạch đặt ra từ ĐHĐCĐ thường niên 2022. Cụ thể, QTP có doanh thu hơn 10.4 ngàn tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 770 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 22% và 33%, vượt lần lượt 9% và 77% mục tiêu năm 2022.
 
PGV (EVNGenco3 hay Tổng Công ty Phát điện 3) thậm chí ghi nhận kết quả đi lùi tới gần 26% so với năm trước, dù lãi ròng tới hơn 2.3 ngàn tỷ đồng - cao nhất nhóm nhiệt điện. Nguyên nhân phần lớn do các chi phí tài chính, khi PGV phải gánh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 938 tỷ đồng (năm 2021 lãi hơn 990 tỷ đồng).
Nhưng cũng cần nhớ rằng, kết quả kinh doanh của PGV năm 2021 nằm ở mức vượt kỳ vọng khi doanh thu lên tới 3 ngàn tỷ đồng (gấp 2.3 lần kế hoạch đề ra trong năm). Vậy nên, dù đi lùi, đây thực chất vẫn là kết quả tốt đối với PGV, khi vẫn vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm.
 
Câu chuyện từ PV Power (HOSE: POW) tương đối khác biệt. Mức lãi lớn ghi nhận trong quý 4 (khoảng 732 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 19 tỷ đồng) đã nâng tổng lãi ròng của doanh nghiệp lên đáng kể. Bất chấp khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 60 tỷ đồng, POW kết thúc năm 2022 với hơn 28.2 ngàn tỷ đồng, lãi ròng 1.89 ngàn tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và hơn 5% so với năm trước và đều vượt kế hoạch đề ra cho cả năm.
 
Bức tranh cho điện tái tạo
 
Theo báo cáo ngành điện của VNDirect, công bố đầu tháng 12/2022, triển vọng cho thủy điện sẽ tương đối “bấp bênh”, khi hiện tượng La Lina dự kiến sẽ chuyển sang pha trung tính và dần suy yếu trong giai đoạn 2023 - 2024. Điều này đồng nghĩa với việc sản lượng thủy điện đóng góp sẽ ở mức thấp hơn, từ đó tạo dư địa huy động cho các nguồn điện khác.
 
SSI Reseach có chung nhận định, cho rằng xác suất của điều kiện thủy văn kém thuận lợi sẽ cao hơn, qua đó kéo tăng trưởng từ các nhà máy thủy điện về mức âm. Điều này có thể tác động không tích cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp mạnh về thủy điện.
 
Trong khi đó, bức tranh liên quan đến ngành điện tái tạo đang dần trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt là với điện gió. Theo bản dự thảo tháng 11/2022, ngành điện tập trung tối đa vào điện gió với mức tăng trưởng kép cao nhất đạt 16% trong giai đoạn 2022 - 2045. VNDirect cho rằng với tiềm năng khổng lồ, điện gió sẽ là tâm điểm phát triển trong giai đoạn 2022-2030, nhất là khi Quy hoạch điện 8 chính thức được ban hành.

Trên thực tế, nếu nhìn vào tình hình kinh doanh, doanh nghiệp điện gió năm qua cũng đạt kết quả vượt kỳ vọng. Như GEG (CTCP Điện Gia Lai)  - một trong những doanh nghiệp mạnh về điện tái tạo - ghi nhận doanh thu 2022 tăng 52%, lên hơn 2 ngàn tỷ đồng; lãi ròng gần 316 tỷ đồng, tăng gần 12%. Kết quả này cũng giúp doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu doanh thu và vượt 18% kế hoạch lợi nhuận đặt ra tại ĐHĐCĐ 2022.

Hồng Đức - VS

 
Đã đăng trong Khác vào February 14 at 03:50 PM

Bình luận (0)

Trở lại đầu trang
English Viet Nam