Người tạo chủ đề

REPOWER.VN

Thu hút đầu tư xanh từ địa phương

Biến đổi khí hậu cùng xu hướng phát triển bền vững đặt nhiều lãnh đạo địa phương vào thế phải từ chối những dự án "không xanh" dù rất tiếc.

Khác với cuộc đua "xuống đáy" thu hút đầu tư bằng mọi giá trước đây, nhiều địa phương không còn coi việc có những dự án lớn là thành tích, bất chấp rủi ro với môi trường.

Những tỉnh có quy mô kinh tế vừa phải cũng cân nhắc hơn trong lựa chọn nhà đầu tư. Như Trà Vinh, lãnh đạo tỉnh này cho biết có những lúc dù rất muốn tăng thu ngân sách, vẫn phải từ chối các dự án "không đủ xanh".

Dự án điện gió ở Trà VInh. Ảnh: Trungnam Group

Dự án điện gió ở Trà Vinh. Ảnh: Trungnam Group

"Có nhà đầu tư ngỏ ý đặt nhà máy dệt may quy mô lớn trong khu công nghiệp tỉnh, chúng tôi tiếc lắm nhưng phải từ chối khi kết quả đánh giá tác động cho thấy lượng nước xả thải quá lớn", ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh, nói bên lề Hội thảo vùng Đồng bằng sông Cửu Long gần đây.

Tỉnh này cũng không cấp phép cho một số dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thuỷ sản vì không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

"Không phải nhà đầu tư nào cũng đạt yêu cầu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tạo điều kiện để họ tìm hiểu sâu thêm cơ hội và có giải pháp phù hợp để đầu tư trong tương lai", ông Hẳn giải thích.

Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An, có chung quan điểm. Theo ông, Long An ưu tiên các nhà đầu tư có dự án xanh, công nghệ cao, sử dụng năng lượng sạch; sẽ không đưa vào vận hành các dự án, cơ sở sản xuất chưa đáp ứng được các yêu cầu về môi trường. Tỉnh cũng có kế hoạch tăng kiểm tra các đơn vị sản xuất về vấn đề này và thu hút xã hội hoá việc xử lý chất thải tại đô thị, khu công nghiệp.

Tuyên bố của hai tỉnh này không phải hiếm trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về ô nhiễm môi trường, trong khi mục tiêu đến năm 2030 thành nước có thu nhập trung bình cao; năm 2045 thuộc nhóm có thu nhập cao nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong năm nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chịu sức ép từ xu hướng phát triển xanh trên thế giới cũng như các cam kết quốc tế đã tham gia. Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) gần đây cho biết, sản xuất, tiêu dùng xanh, phát triển bền vững là những yếu tố được cộng đồng doanh nghiệp này chú trọng. Những điều này hiện không còn là khẩu hiệu hô hào mà đã đến thời điểm các thị trường lớn như EU, Mỹ luật hóa. Khi đó, Việt Nam muốn tham gia sâu chuỗi cung ứng phải đáp ứng được các điều kiện.

Trong bài toán chuyển dịch này, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, các địa phương hiện gặp nhiều khó khăn khi thiếu các giải pháp khả thi, đặc biệt, thiếu dữ liệu cần thiết để đánh giá các yếu tố liên quan giữa kinh tế và môi trường.

Vì vậy, Chỉ số xanh (PGI - đánh giá địa phương thân thiện với môi trường) mà VCCI cho ra mắt hồi tháng 4 được xem là một công cụ chính sách hỗ trợ hiệu quả. Chỉ số này được nhìn nhận giúp địa phương đánh giá vận hành, chuyển đổi phát triển xanh; còn nhà đầu tư có thêm yếu tố tham khảo trong quyết định rót vốn, mở rộng kinh doanh.

PGI hiện có 4 chỉ số thành phần gồm: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh và chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

Theo PGI 2022 công bố tháng 4, Trà Vinh hiện đứng đầu bảng xếp hạng, kế đến là Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Đà Nẵng. Chỉ số năm nay cũng cho thấy hơn một nửa số doanh nghiệp trên cả nước đánh giá chất lượng môi trường tại các địa phương là tốt hoặc rất tốt. So với các doanh nghiệp trong nước, khối FDI cũng tỏ ra hài lòng hơn về công tác quản trị môi trường ở địa phương, tuy nhiên vẫn có một số lĩnh vực họ đánh giá chưa tích cực (ví dụ: phòng ngừa ô nhiễm, xử phạt đơn vị gây ô nhiễm).

Bên cạnh công cụ chính sách, PGI cũng được nhìn nhận là động cơ giúp các địa phương bước vào cuộc đua tích cực hơn về phát triển kinh tế gắn nhưng môi trường.

"Tuy chúng tôi đang là tỉnh đứng đầu xếp hạng PGI nhưng điểm số chung và điểm thành phần vẫn còn nhiều hạn chế cần cải thiện", ông Lê Văn Hẳn nói. Theo ông, tỉnh sẽ phải tiếp tục cải thiện sức cạnh tranh, chuyển đổi xanh để đi kịp với các tỉnh trong khu vực và trên cả nước.

Trà Vinh hiện phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, hữu cơ, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu như: chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học; nuôi tôm sinh thái kết hợp trồng rừng, trồng lúa; tập trung phát triển, sản xuất năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời; phát triển kinh tế biển, du lịch.

Đứng thứ ba về PGI, lãnh đạo Bắc Ninh cho biết, việc duy trì chỉ số là mục tiêu của tỉnh trong phương hướng nhiệm vụ, thể hiện rõ trong quy hoạch tỉnh Bắc Ninh 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

"Sau khi công bố Chỉ số này, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị triển khai trong toàn bộ hệ thống chính trị và có sự hiến kế của doanh nghiệp", ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch tỉnh Bắc Ninh nói hồi tháng 4. Tỉnh này đặt mục tiêu về chỉ số xanh mang thương hiệu riêng để hấp dẫn các nhà đầu tư, cũng như cho người dân thụ hưởng chất lượng môi trường sống tốt hơn.

Thực tế địa phương này đã có chọn lọc dự án từ những năm 2013, theo TS Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh. "Thời điểm đó chúng tôi đưa ra một danh mục những dự án không khuyến khích đầu tư vào tỉnh. Nhà đầu tư tự đọc, thấy không phù hợp tự động rút lui", ông kể.

Hiện tỉnh một mặt tiến đến giai đoạn kết thúc những những dự án thuộc các lĩnh vực cũ, mặt khác vẫn đang bỏ ra khoản chi phí nhất định để giải quyết các vấn đề môi trường trước đây. Tới đây, ông Bắc cũng cho rằng các thể chế liên quan đến môi trường, kinh tế xanh cần phải được đồng bộ, rõ ràng hơn; đồng thời Chính phủ cũng cần có những hỗ trợ nhất định cho doanh nghiệp, địa phương chuyển đổi xanh.

Xếp vị trí sau Bắc Ninh, Quảng Ninh cũng cho biết phương thức phát triển từ nâu sang xanh đã được thực hiện từ 2012. Hiện tỉnh này đang tiếp tục xanh hoá các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư tại Quảng Ninh có thể kể đến như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế tạo, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử với dây chuyền hiện đại, thân thiện với môi trường; cảng biển, logistics, thương mại, du lịch sinh thái; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đức Minh!

Đã đăng trong Chính sách xanh vào May 13 at 09:54 PM

Bình luận (0)

Trở lại đầu trang
English Viet Nam