9h ngày 9/9, báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo “Tín dụng xanh - Việt Nam không thể chậm chân với Net Zero”.
Tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Xanh hoá nền kinh tế đang là xu hướng toàn cầu. Trong quá trình phát triển, Việt Nam dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu nguyên liệu thô trong nước (than, dầu, thép). Kể từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đang chuyển dần từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh trong chiến lược phát triển dài hạn quốc gia.
Nhu cầu vốn phục vụ tăng trưởng xanh của Việt Nam là rất lớn. Theo World Bank, mức đầu tư tối thiểu trung bình cần đạt là 20,4 tỷ USD/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2040. Việt Nam đã bước đầu thu hút được nguồn vốn trái phiếu xanh, tài chính xanh trên thị trường quốc tế, thị trường carbon hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu mới, bền vững cho nông và lâm nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Mặc dù Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh, song sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng.
Để triển khai tăng trưởng xanh cần có bộ tiêu chí phân loại xanh để ngân hàng lựa chọn các dự án đầu tư xanh. Đây là nền tảng quan trọng giúp các dự án xanh tiếp cận được nguồn tài chính xanh trong nước và quốc tế, chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư mới. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, tài chính xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.
Bình luận (0)