Trung Quốc sản xuất 75% tổng số pin lithium-ion được sử dụng trong xe điện nhưng Australia mới là nước kiểm soát những mỏ lithium lớn nhất thế giới.
Theo trang Asia Times, các công nghệ năng lượng sạch là rất cần thiết để đạt được các mục tiêu khử cacbon được đặt ra trong Thỏa thuận Paris. Các khoáng chất quan trọng - bao gồm lithium, niken, coban, than chì, đồng và các nguyên tố đất hiếm - là then chốt để sản xuất các sản phẩm năng lượng sạch như tấm pin mặt trời, tua-bin gió và pin năng lượng cho xe điện (EV).
Nhu cầu về lithium (Lithi, ký hiệu hóa học là Li), một thành phần quan trọng trong pin lithium-ion, đã tăng vọt trong 3 năm qua khi quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tăng tốc. Mặc dù nguồn lithium dồi dào, nhưng được phân phối không đồng đều và không thể tái tạo.
Và cho đến khi có vật liệu thay thế hoặc một cách tiếp cận khác để cung cấp năng lượng cho pin, lithium sẽ trở thành trung tâm của những căng thẳng địa chính trị đối với việc kiểm soát các nguồn tài nguyên quan trọng.
Hiện nay, có ba quốc gia hàng đầu xử lý hơn 80% khoáng chất quan trọng nhất được sử dụng trong pin lithium. Trung Quốc thống trị việc xử lý hầu hết các loại khoáng sản, với hơn 50% tổng thị phần - ngoại trừ niken và đồng, trong đó Trung Quốc kiểm soát lần lượt 35% và 40%.
Các ngành có hàm lượng công nghệ cao đang dựa vào sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia có nguồn lực khác nhau. Điều này diễn ra nhịp nhàng trong thời kỳ hợp tác và ổn định địa chính trị. Tuy nhiên, mức độ xử lý tập trung cao trong chuỗi cung ứng pin lithium sẽ đồng nghĩa nó dễ bị gián đoạn do chiến tranh, đại dịch toàn cầu, thiên tai hoặc căng thẳng địa chính trị.
Australia là nước có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới với doanh thu xuất khẩu đã tăng vọt và lithium trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị thứ sáu của nước này. Australia cần xem xét cách kiếm lợi từ sự bùng nổ và vai trò của mình trong cuộc đua lithium.
Australia và Trung Quốc bổ sung cho nhau trong chuỗi cung ứng này. Australia cung cấp 46% lithium và một tỷ lệ lớn trong đó dành cho các cơ sở chế biến của Trung Quốc, sau đó là các nhà sản xuất pin và xe điện của Trung Quốc.
Trung Quốc sản xuất 60% sản phẩm lithium của thế giới và 75% tổng số pin lithium-ion, chủ yếu cung cấp năng lượng cho thị trường xe điện đang phát triển nhanh chóng, chiếm 60% tổng thị trường thế giới.
Tuy nhiên, sự thống trị của Trung Quốc trong chế biến lithium cũng đồng nghĩa là rất ít quốc gia có thể hấp thụ nguồn cung của Ausgrtalia nếu Trung Quốc tìm đến các nguồn thay thế. Thời gian kéo dài trong việc xây dựng các cơ sở xử lý lithium đã hạn chế tốc độ đẩy nhanh quá trình sản xuất mới để đáp ứng nhu cầu gia tăng nhanh chóng.
Công ty công nghệ đương đại Amperex (CATL) là nhà sản xuất pin lithium-ion lớn nhất thế giới dành cho ô tô điện. Ảnh: Asiatimes
Việc xây dựng những khả năng như vậy đòi hỏi đầu tư vốn, công nhân lành nghề và một hệ sinh thái nơi các nhà cung cấp linh kiện, thiết bị và dịch vụ bổ sung được tập hợp lại để giảm thiểu chi phí.
Trong khi đó, ưu tiên an ninh quốc gia hơn lợi ích kinh tế, Mỹ và Liên minh châu Âu đặt mục tiêu tăng cường khả năng tự cung tự cấp trong chuỗi cung ứng lithium do lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung cấp pin do sự thống trị sản xuất của Trung Quốc. Bắc Kinh vì thế có thể đối mặt với khả năng bị cắt khỏi chuỗi cung ứng do Mỹ dẫn đầu.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghiệp Australia, Ed Husic cho rằng đối mặt với những căng thẳng địa chính trị với lithium, Australia nên chuyển từ hoạt động “khai thác và vận chuyển” có giá trị gia tăng thấp sang vị trí có giá trị gia tăng cao hơn, như xử lý hóa chất lithium và sản xuất pin.
Mặc dù Australia không phải chịu “lời nguyền tài nguyên” theo nghĩa truyền thống, nhưng sự bùng nổ tài nguyên quặng sắt và khí đốt tự nhiên của nước này trong 30 năm qua đã dẫn đến sự tăng giá của đồng đô la Úc, làm giảm khả năng cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu khác. Vào năm 2021, giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất giảm xuống dưới 6% GDP của Úc, từ mức gần 14% vào năm 1990.
Việc Australia tiến lên chuỗi giá trị sẽ đòi hỏi đầu tư và công nghệ, đồng thời chịu chi phí về môi trường đáng kể. Nếu không có lợi thế quy mô, các sản phẩm do họ sản xuất cũng sẽ không đạt được khả năng cạnh tranh toàn cầu. Canberra phải xem xét các chính sách công nghiệp dài hạn giúp nước này có thể đóng vai trò chống biến đổi khí hậu thay vì bị kẹt giữa cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường.
Bình luận (0)