Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản góp ý về cơ chế giá điện đối với các dự án điện sản xuất từ rác thải và sinh khối.
Đối với kiến nghị của Bộ Công thương về việc giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư trong khung giá phát điện do Bộ này ban hành, EVN cho rằng, phương án này không khả thi, giống như việc đàm phán giá điện của các dự án nhà máy điện gió, mặt trời chuyển tiếp.
Gần 5 tháng vẫn chưa kết thúc đàm phán giá với bất kỳ nhà đầu tư điện gió, mặt trời chuyển tiếp nào (có 85 dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp)
Lý do EVN đưa ra là, cơ chế trên rất tốn kém về nguồn lực, thời gian và không đảm bảo tính hiệu quả và tính minh bạch cần thiết, do số lượng dự án lớn nhưng quy mô công suất thường nhỏ (vài MW).
Dẫn thực tiễn, EVN nêu: Cục điều tiết Điện lực giao EVN đàm phán “hợp phần phát điện của nhà máy phân loại và xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón hữu cơ” do Công ty TNHH phát triển dự án Việt Nam làm chủ đầu tư... nhưng cho đến nay, sau gần 2 năm hai bên thậm chí chưa thống nhất được giá tạm.
Từ kinh nghiệm quốc tế, EVN còn khẳng định "các nước đều chuyển sang cơ chế đấu thầu sau khi kết thúc giai đoạn giá ưu đãi (FIT), không thấy có nước nào thay thế cơ chế giá FIT bằng cơ chế đàm phán song phương".
Trong khi đó, theo lộ trình phát triển thị trường tại Quyết định số 63 (ngày 30/12/2013) của Thủ tướng Chính phủ, thị trường điện bán lẻ phải được thí điểm từ năm 2021-2023 và sau năm 2023 phải thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh hoàn chỉnh.
Do đó, EVN lo ngại, việc đàm phán sẽ không đảm bảo các tiêu chí về tính hiệu quả và minh bạch khi Bộ Công thương không có hướng dẫn cụ thể.
Từ các phân tích trên, EVN đề xuất cơ chế cho phép các chủ đầu tư được lựa chọn, bao gồm: Trực tiếp tham gia thị trường điện hoặc lựa chọn chủ đầu tư theo tiêu chí giá chào thấp nhất nằm trong khung giá do Bộ Công thương phê duyệt.
"Cả hai cơ chế này đều phù hợp với Luật Điện lực và cũng là quan điểm nhất quán của EVN", EVN nhấn mạnh.
Hồng Hạnh - BGT
Bình luận (0)